5 phút đọc 27 thg 2 2023

Công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

Sun set

ESG và cơ hội từ thị trường tài chính bền vững

Tác giả Nguyễn Việt Long

Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam

Tư vấn giàu kinh nghiệm và hiểu biết trong cả lĩnh vực công và tư nhân. Nguồn tham vấn đáng tin cậy với những thông tin chuyên sâu giúp khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn.

5 phút đọc 27 thg 2 2023
Chủ đề liên quan Tư vấn

Công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

Chuyên trang “Phát triển Bền vững” của Thế Giới Hội Nhập đã có buổi phỏng vấn ông Long xung quanh đề tài đang nóng này.
 

Thưa ông, là một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong hoạt động của doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận những tiêu chuẩn này?

Ông Nguyễn Việt Long: Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững trong bối cảnh mới, thay vì chỉ dựa vào phương thức kinh doanh truyền thống.

Tại Việt Nam, khái niệm “tài chính bền vững” và thị trường tài chính bền vững trong nước còn đang trong giai đoạn sơ khai, nếu đặt trong bối cảnh thị trường tài chính bền vững trong khu vực ASEAN. Nghiên cứu của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2021 cho thấy, tài chính cho khí hậu ở Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 5% (10,3 tỷ USD) tổng giá trị tín dụng, song dự kiến giá trị này sẽ tăng đáng kể trong những năm tới . Theo cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đặt mục tiêu giảm 9% phát thải vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. IFC ước tính, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2030.Đây được cho là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai thác nguồn vốn tiềm năng, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy vậy, ESG vẫn còn chưa được phổ biến tại Việt Nam…

Điểm tích cực là tại Việt Nam, các chuẩn mực, quy định, hướng dẫn đang giúp cho hoạt động công bố thông tin theo ESG trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, tháng 11 năm 2020, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết thực hiện Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội, tích hợp trong Báo cáo thường niên.

Cơ hội là có nhưng việc chuẩn bị báo cáo về ESG không dễ dàng đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là việc công bố thông tin trọng yếu về tác động thực tại và tiềm tàng của biến đổi khí hậu tới chiến lược kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp đó. Theo khảo sát gần đây mà chúng tôi thực hiện với quy mô nhỏ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, phần lớn doanh nghiệp được hỏi đều có biết về Báo cáo ESG. Tuy nhiên, chỉ 27,1% trong số đó khẳng định rằng họ thực hiện báo cáo môi trường và xã hội một cách đầy đủ và toàn diện theo hướng dẫn.

Trong số phản hồi chưa thực hiện và thực hiện một phần, có tới 76% cho biết nguyên nhân là do báo cáo toàn diện không có tính bắt buộc, hoặc không được kiểm tra, giám sát bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một bộ phận nhỏ cho biết họ không có đủ số liệu do đặc thù ngành nghề (16%). Một số khác chưa thấy hoặc thấy rất ít lợi ích từ việc lập báo cáo.

Khi được hỏi về khó khăn chủ yếu trong việc lập báo cáo, các doanh nghiệp phản hồi với bốn nhóm khó khăn chính là chưa có nhân sự chuyên trách; các vấn đề về thu thập dữ liệu còn khó khăn; các quy định và yêu cầu về báo cáo chưa phù hợp, hướng dẫn lập báo cáo chưa cụ thể, thiếu chi tiết.

Đó là câu chuyện của các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ESG là gì?

ESG chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp, bất kể quy mô nào, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những lợi ích mà ESG mang lại có thể kể đến:

Gia tăng tính nhận diện thương hiệu và thúc đẩy lòng trung thành của người tiêu dùng và khách hàng đối với thương hiệu.

Giảm thiểu chi phí (ví dụ như chi phí tiêu thụ năng lượng, nước, quản lý chất thải, và nhiều loại chi phí khác), cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tăng cường khả năng tiếp cận và huy động vốn từ các bên cho vay và nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp.

Gia tăng cơ hội mở rộng thị trường ra các thị trường xuất khẩu lớn với quy định và yêu cầu liên quan đến ESG nghiêm ngặt hơn.

Thu hút và giữ chân nguồn nhân lực, đặc biệt là các thế hệ trẻ như “Millennial” và “Gen Z”.

Còn các doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy còn nhỏ nhưng lại mơ giấc mơ lớn. Họ cần làm gì để bắt đầu với ESG?

ESG là một chủ đề bao quát nhiều khía cạnh của một doanh nghiệp, với mục tiêu dài hạn hướng tới doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô còn nhỏ và nguồn lực còn hạn chế, các mục tiêu ESG trước tiên cần đi vào nhận thức của nhóm sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu có thể, nên lồng ghép những giá trị về ESG phù hợp với doanh nghiệp mình khi định hình sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.Việc này giúp giảm thiểu tối đa những chi phí phát sinh sau này khi bắt buộc phải chuyển đổi để tích hợp ESG vào chiến lược và vận hành doanh nghiệp sau khi mọi thứ đã vào guồng.

Một số việc mà doanh nghiệp khởi nghiệp có thể triển khai ngay mà không tăng áp lực lên nguồn lực ban đầu, vốn đã hạn chế của doanh nghiệp khởi nghiệp:

1. Xác định các vấn đề phát triển bền vững ảnh hưởng đến doanh nghiệp:

Bước đầu tiên, doanh nghiệp có thể nhanh chóng xác định các vấn đề ESG ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình thông qua việc nắm rõ các bên liên quan chính (bao gồm khách hàng, đối tác, nhân viên, cơ quan quản lý và nhà đầu tư) và các vấn đề ESG quan trọng họ quan tâm, kỳ vọng và yêu cầu liên quan đến ESG từ các đối tượng này. Sau đó, thực hiện đánh giá mức độ ưu tiên của các vấn đề này.

2. Đảm bảo các yếu tố ESG dần được tích hợp vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và được duy trì, cải tiến theo thời gian:

Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhận thức rằng lộ trình hướng tới phát triển bền vững là một chiến lược dài hạn.Các yếu tố ESG nên dần được tích hợp – có cơ chế duy trì, cải tiến phù hợp với các cơ hội, thách thức, và rủi ro mới trong tương lai khi doanh nghiệp phát triển.

Ghi chú dành cho độc giả: Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Theo tạp chí Thế giới Hội nhập xuất bản ngày 28 tháng 11 năm 2022

 

 

Tóm lược

ESG chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp, bất kể quy mô nào, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường.

Về bài viết này

Tác giả Nguyễn Việt Long

Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam

Tư vấn giàu kinh nghiệm và hiểu biết trong cả lĩnh vực công và tư nhân. Nguồn tham vấn đáng tin cậy với những thông tin chuyên sâu giúp khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn.

Chủ đề liên quan Tư vấn
  • Facebook
  • LinkedIn
  • X (formerly Twitter)