5 phút đọc 9 thg 8 2022
Ngành tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam

Ngành tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam

Tác giả Nguyễn Thùy Dương

Lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Asean, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính EY tại Đông Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Được bầu chọn là một trong 15 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành FinTech Việt Nam vì đã giúp các tổ chức chuyển đổi để thành công trong kỷ nguyên công nghệ số.

5 phút đọc 9 thg 8 2022
Chủ đề liên quan Tư vấn Đảm bảo

Hoạt động cấp vốn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ đặt ra yêu cầu các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý tài sản phải có sự thay đổi lớn. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết của bà Nguyễn Thuỳ Dương, Lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Asean về nội dung này.

Tại COP26, Việt Nam đã nêu rõ quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 (net-zero) đến năm 2050. Là một trong những nền kinh tế phát thải nhiều carbon nhất châu Á, Việt Nam đang chịu áp lực chuyển đổi nhanh chóng khỏi các hoạt động thải carbon cao, bao gồm cả việc chuyển đổi sang hệ thống năng lượng carbon thấp.

Điều này đặc biệt quan trọng do nền kinh tế Việt Nam có tỷ trọng lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu. Khi các thương hiệu tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng trung hòa carbon, Việt Nam phải có khả năng cung cấp năng lượng xanh cho các nhà sản xuất có hoạt động xuất khẩu toàn cầu. Dưới sự “giám sát” chặt chẽ từ các nhà đầu tư và thị trường tiêu dùng châu Âu, các nhà sản xuất toàn cầu tại Việt Nam khó có thể né tránh xu hướng này.

Các quan sát ban đầu cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Việc Lego lựa chọn Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên là minh chứng cho sự tin tưởng vào khả năng chuyển đổi của đất nước. Sự thành công của nhà máy, với khoản đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực xanh, sẽ được quan sát chặt chẽ bởi các công ty đa quốc gia khác đang có kế hoạch khẩn trương chuyển sang sản xuất xanh.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn vươn lên là công xưởng hàng đầu của thế giới thì cần lưu ý hai khía cạnh then chốt.

Thứ nhất là lộ trình để nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng xanh: Trong hai năm trước năm 2021, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng điện mặt trời một cách ấn tượng, tăng gấp 100 lần. Tuy nhiên, những người ủng hộ năng lượng sạch coi bản đề xuất sửa đổi trong Quy hoạch Điện VIII, trong đó đề xuất nâng công suất nhiệt điện than. Việt Nam nên xem xét lại việc phụ thuộc vào năng lượng than.

Thứ hai là khung tài chính xanh hợp lý cho những dự án tài chính xanh tiềm năng: Chính phủ Việt Nam đã đạt được những bước tiến bộ liên quan tới quy định về tài chính bền vững. Năm 2018, Chính phủ đã đặt ra hai mục tiêu đến năm 2025, đó là thiết lập: Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội (E&S) cho tất cả các tổ chức tài chính; và Các phương pháp nghiệp vụ ngân hàng để tích hợp việc đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội vào quá trình đánh giá rủi ro tín dụng.

Vào tháng 4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế đã giới thiệu cẩm nang hướng dẫn “Phát hành Trái phiếu Xanh, Trái phiếu Xã hội và Trái phiếu Bền vững” nhằm huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất các kế hoạch hành động chung cho việc tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển các ngân hàng xanh trong nước. Tuy nhiên, nhiều tổ chức trong nước và các tổ chức cho vay quốc tế cần có thêm thông tin chi tiết hơn để có thể hiểu sâu về định hướng danh mục tài chính xanh của Việt Nam.

Trong tương lai, nếu Việt Nam muốn thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon, mảng tài chính ngân hàng chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ các dự án về khí hậu và các tổ chức cũng sẽ cần thực hiện quá trình chuyển đổi riêng của mình để giảm phát thải carbon.

Hiện nay, ngân hàng trong nước là nguồn cung cấp tín dụng chính cho các dự án năng lượng mặt trời và điện gió, đạt 3,6 tỷ USD vốn đầu tư giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ước tính, việc tiếp tục mở rộng đầu tư vào năng lượng mặt trời và điện gió ngoài khơi sẽ kéo theo nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia và khu vực, cũng như đầu tư vào hệ thống dự trữ điện. Để đạt được điều đó, ước tính Việt Nam sẽ cần thêm 33 tỷ USD trong 10 năm tới.

Theo Khảo sát ngân hàng tiêu dùng toàn cầu của EY NextWave, các tổ chức tín dụng Việt Nam là thương hiệu dịch vụ tài chính đáng tin cậy nhất trong nước. Vì vậy, người tiêu dùng kỳ vọng các thương hiệu uy tín này sẽ thúc đẩy và giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Phát triển các công cụ chuyển đổi về kinh tế

Trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều công cụ tài chính mới được thiết kế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi khí hậu. Thay vì chờ đợi hướng dẫn chi tiết về việc cơ cấu lại tài sản, các tổ chức nên tính trước và chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tài chính xanh, chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai.

Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý tài sản của Việt Nam sẽ phải cân nhắc các mục tiêu nội tại và đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan đến việc tài trợ cho các dự án và công ty có kế hoạch chuyển đổi, tuy nhiên vẫn sẽ có một số điểm chung. Việc thiết kế một sản phẩm, dịch vụ có cấu trúc tốt, tạo điều kiện tốt nhất và khuyến khích quá trình chuyển đổi, đòi hỏi tư duy thiết kế tổng quát cho toàn bộ vòng đời của một khoản đầu tư hoặc khoản vay, cũng như thiết kế quy trình để tìm kiếm các điểm trên quy trình có thể cần những động lực khuyến khích.

Các tổ chức cũng sẽ cần tăng cường công tác quản trị, chính sách và quy trình thủ tục của mình để tuân thủ các quy tắc về tính bền vững của các tổ chức cho vay quốc tế. Bởi, các tổ chức cho vay quốc tế rất có thể yêu cầu kiểm toán độc lập các điều khoản này trước khi giải ngân vốn đầu tư xanh.

Chuẩn bị cho báo cáo ESG

Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa đặt ra mục tiêu rõ ràng về hiệu quả tín dụng xanh cho từng ngân hàng, nhưng đây sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Áp lực của người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý sẽ buộc các ngân hàng phải công bố thông tin về hiệu quả tài chính xanh, cũng như các chỉ số khác về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Việt Nam có thể sẽ theo sau các quốc gia khác ở Châu Á - Thái Bình Dương vốn đang nhanh chóng chuyển đổi theo làn sóng các yêu cầu quản lý rủi ro ESG. Dựa trên các thông lệ đang được áp dụng trong khu vực, các tổ chức tài chính của Việt Nam cần bắt đầu chuẩn bị báo cáo dựa trên các tiêu chuẩn ESG toàn cầu mới nhất, vốn đã phát triển đáng kể trong hai năm qua.

Một số thực tiễn mới

Giá trị phi tài chính: Báo cáo công ty và báo cáo tài chính ngày càng được yêu cầu xem xét giá trị phi tài chính mà một tổ chức tạo ra cho các bên liên quan và cách thức tổ chức đo lường các giá trị đó.

Báo cáo tích hợp: Do các quy định thúc đẩy các tổ chức xem xét các tác động rủi ro phi tài chính đối với giá trị doanh nghiệp và dòng doanh thu trong tương lai, một số tổ chức đang bắt đầu tích hợp báo cáo bền vững với báo cáo tài chính. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy biến đổi khí hậu được nêu trực tiếp trong báo cáo tài chính.

Dịch vụ đảm bảo: Trong khu vực, chúng ta đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể các tổ chức sử dụng dịch vụ đảm bảo cho các báo cáo bền vững của mình, dù vẫn chưa có yêu cầu bắt buộc kiểm toán thông tin về tính bền vững. Động thái này của các tổ chức nhằm lường trước các yêu cầu tuân thủ trong tương lai và cũng để phân biệt các báo cáo cho nhà đầu tư.

Bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư

Nhằm góp phần vào quá trình giảm phát thải carbon, các tổ chức cũng sẽ cần đánh giá tiềm năng chuyển đổi danh mục đầu tư của mình, nhằm hiểu rõ:

  • Những ngành nào đã và đang chuyển đổi nhằm phục vụ mục tiêu giảm phát thải trên toàn ngành do chính phủ, chính sách và các cơ quan quản lý đặt ra?
  • Những doanh nghiệp nào đã có kế hoạch chuyển đổi?
  • Những doanh nghiệp nào sẽ cần thêm sự hỗ trợ để đạt được một lộ trình chuyển đổi đáng tin cậy?

Thông tin này sẽ giúp các tổ chức theo đuổi chiến lược chuyển đổi danh mục đầu tư của mình một cách chủ động, chọn tập trung vào các khách hàng và đối tác đã cam kết giảm phát thải carbon và có kế hoạch chuyển đổi sẵn sàng. Hơn nữa, các tổ chức cũng cần chủ động tìm kiếm những tổ chức muốn chuyển đổi hoặc muốn thoái vốn khỏi các công ty không có khả năng hoặc không muốn chuyển đổi theo tốc độ thị trường.

Tiên phong dẫn đầu

Khung pháp lý hiện tại của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với tham vọng giảm phát thải carbon của đất nước, cũng như nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với năng lượng xanh. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian. Các tổ chức tài chính có thể vượt lên trên các đối thủ bằng cách chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tham gia vào cơ hội đầu tư trị giá 50 nghìn tỷ USD, ước tính có được nhờ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu bền vững về môi trường.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn, xuất bản ngày 2 tháng 8 năm 2022

Ghi chú dành cho độc giả

Các quan điểm được phản ánh trong bài báo này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu hoặc các công ty thành viên.

Tóm lược

Bà Dương Nguyễn, Lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Asean đã phân tích về tầm quan trọng của ngành tài chính ngân hàng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Bà cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp các tổ chức tín dụng chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tham gia vào cơ hội đầu tư trị giá 50 nghìn tỷ USD, ước tính có được nhờ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu bền vững về môi trường.

Về bài viết này

Tác giả Nguyễn Thùy Dương

Lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Asean, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính EY tại Đông Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Được bầu chọn là một trong 15 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành FinTech Việt Nam vì đã giúp các tổ chức chuyển đổi để thành công trong kỷ nguyên công nghệ số.

Chủ đề liên quan Tư vấn Đảm bảo
  • Facebook
  • LinkedIn
  • X (formerly Twitter)