Ba chủ đề định hình bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới năm 2025
Chỉ còn một năm nữa là thế giới sẽ đi qua một phần tư đầu tiên của thế kỷ 21 đầy biến động với “những cơn địa chính lịch sử” 1. Trong thời gian này, thế giới đã chứng kiến những sự kiện quan trọng từ địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ. Điểm nhấn trong sự chuyển dịch kinh tế - xã hội này có thể kể tới như sự ra đời của điện thoại thông minh, mạng xã hội, và đặc biệt là các công nghệ mới nổi như AI, Big data, Cloud, v.v.
Về địa chính trị, khởi nguồn từ vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, các cuộc xung đột chính trị và chiến tranh liên tiếp diễn ra như tại Trung đông, Ucraina và Dải Gaza đã định hình trật tự thế giới mới. Cùng với địa chính trị là dấu ấn của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tình trạng nóng lên toàn cầu, và đặc biệt là cam kết mạnh mẽ của các quốc gia về trung hòa carbon tại COP 26.
Về kinh tế, bắt đầu từ việc hình thành khu vực đồng tiền chung châu Âu2, khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, tới chủ nghĩa quốc gia trên hết với nhiệm kỳ hai sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu và sự nổi lên của khối BRICS, khối kinh tế và chính trị bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Xu hướng giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD trong trao đổi, giao dịch thương mại toàn cầu cũng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là giữa các quốc gia trong khối BRICS.
Về khoa học công nghệ, sự thống trị của điện thoại thông minh kể từ lần đầu ra mắt năm 2007, cùng với sự đột phá của các công nghệ số, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Gần đây nhất, sự ra đời của mô hình ngôn ngữ tích hợp trí tuệ nhân tạo (Chat GPT) đánh dấu việc trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) sẽ định hình lại kinh tế - xã hội và biến đổi cuộc sống của nhân loại. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, internet, thế giới cũng định hình không gian phát triển mới của các quốc gia là không gian mạng, cùng với đó là các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, chủ quyền số, đi kèm với cơ hội và thách thức phát triển cho các quốc gia. Không gian mạng hiện nay được dẫn dắt bởi hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.
Các yếu tố quyết định động lực tăng trưởng toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ, từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất. Trong vòng 10 năm vừa qua, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với cốt lõi là sự thay đổi của công nghệ số (bao gồm Big data, Cloud, Blockchain, AI, v.v.). Lợi thế cạnh tranh cũng chuyển dịch, từ hiệu quả (efficiency), hiệu lực (effectiveness) và quy mô (scale) sang việc tạo ra giá trị bằng tốc độ phát triển công nghệ, con người và quy mô đổi mới sáng tạo3. Về lực đẩy công nghệ, 50% sẽ là công nghệ số và 50% công nghệ còn lại sẽ được phát triển trên nền tảng công nghệ số4.
Bước vào năm 2025, và ít nhất là trong trung hạn, các xu thế trên vẫn tiếp tục, biến động địa chính trị, tốc độ thay đổi của công nghệ vẫn sẽ là các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nền kinh tế, định hình lại dòng vốn đầu tư và thương mại toàn cầu. Một nghiên cứu của EY và Trường Kinh doanh Said, thuộc Đại học Oxford5 mới đây cho thấy năm 2025 sẽ là thời điểm có thể có sự thay đổi về địa chính trị, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh toàn cầu. Ba chủ đề chính sẽ định hình lại bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới trong năm 2025 bao gồm: Thay đổi chính sách do ảnh hưởng của kết quả bầu cử tại nhiều quốc gia (chiếm 60% GDP toàn cầu); Cạnh tranh kinh tế và chủ quyền số gia tăng; Xung đột và căng thẳng địa chính trị.
Kinh tế Việt Nam trong ¼ thế kỷ qua và định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng
Bước vào thế kỷ 21 với việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, kế thừa Đổi mới theo thể chế kinh tế thị trường trước đó, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, trung bình 6,3% trong giai đoạn 2001-2024. Những thành quả kinh tế đó đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có thu nhập trung bình, với chỉ số GNI (Gross National Income) bình quân đầu người năm 2023 là 4.110 USD6.
Trong toàn bộ giai đoạn này, thành công đến từ mô hình tăng trưởng của Việt Nam, dựa chủ yếu vào thu hút đầu tư nước ngoài FDI, chi phí nhân công cạnh tranh, và xuất khẩu. Theo nghiên cứu “Vietnam 2045 Trading up in a changing, Pathways to a High-Income Future” của World Bank năm 2024, ngoại trừ Singapore, Việt Nam hiện là nước có tỷ trọng xuất khẩu/GDP lớn nhất khu vực Đông Á (gần 100% GDP năm 2023).7
Với mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần phải chuyển dịch. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, đặc biệt là sự ra đời của AI và các công nghệ đột phá khác, sự chuyển dịch này cần phải tính tới không chỉ là mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và các nước đã phát triển trước đây mà còn phải tính tới công nghệ số, công nghệ bán dẫn. Sự chuyển dịch về thể chế, chính sách để khai thông cho lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như các chính sách để chuyển giao công nghệ từ lợi thế của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng cần phải được nghiên cứu và thực hiện một cách hiệu quả.
Nghiên cứu trên của World Bank khuyến nghị Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới với giá trị cao hơn, tập trung vào khoa học công nghệ và kỹ năng cao. Cùng với đó là tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do FTA (đặc biệt là ASEAN, CPTPP, v.v.) để khai thác sâu hơn, nhiều hơn giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để gia tăng giá trị doanh nghiệp Việt; tập trung vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ công nghệ; và cuối cùng là chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp trong trung và dài hạn.
Điểm nhấn trong báo cáo của World Bank là khuyến nghị nâng cao khả năng tham gia thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ có nhiều chuyển dịch dưới tác động của biến động địa chính trị và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Thêm nữa, nhanh chóng chuyển đổi cấu trúc, thể chế cũng được nhóm chuyên gia của World Bank lưu ý.
Trong bối cảnh và điều kiện như vậy, trước ngưỡng cửa năm bản lề 2025, Việt Nam đã xác định giai đoạn tới là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, theo đó sẽ có các định hướng, chính sách để đáp ứng các yêu cầu cho kỷ nguyên mới này, cụ thể là quá trình đột phá kép, đi thẳng vào hiện đại, công nghệ số, giải quyết triệt để các điểm nghẽn bao gồm điểm nghẽn về thể chế và chính sách, cản trở sự phát triển, và quan trọng nhất là thay đổi tư duy, thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 48.
Bắt đầu với Nghị Quyết 18-NQ/TW (NQ 18) do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành năm 2017, Đảng và Nhà nước đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy tổ chức nhà nước theo hướng hiệu quả, hiệu lực, tinh gọn9. Tiếp theo, là Nghị Quyết 57-NQ/TW (NQ 57) do Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với định hướng giải pháp rõ ràng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao10. Có thể nói, NQ 57 chính là một định hướng lớn, có các mục tiêu và giải pháp cụ thể để nền kinh tế trong nước chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với bối cảnh quốc tế thay đổi, cũng như phù hợp với các phân tích và khuyến nghị của các chuyên gia World Bank – với tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao.
NQ 57 cũng đề ra các định hướng để sự chuyển dịch mô hình của Việt Nam tận dụng được giá trị tạo ra bởi công nghệ số, hướng đến nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, hướng đến không gian phát triển mới là không gian số, với tài nguyên dữ liệu, đồng thời đảm bảo được an ninh, bảo mật dữ liệu chủ quyền của Việt Nam trên không gian này. Một điểm nhấn nữa là trong NQ 57 có đặt ra mục tiêu dành 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển và 3% tổng ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Động lực nào giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai chữ số ở giai đoạn tiếp theo?
Năm 2024 là năm đánh dấu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.11